Chương 20

Lại Vinh Đam vừa chết, dân chúng Lô Châu như trút được gánh nặng, khắp nơi reo hò, thậm chí còn đốt pháo ăn mừng…


Trái với không khí hồ hởi của đám đông, đương nhiên có kẻ không vui — chính là Lại Tâm Huy. Bản thân hắn cũng hiểu, mỗi lần em trai làm xằng làm bậy bên ngoài, hắn cũng phải thu dọn tàn cuộc, cho nên không ít lần khuyên can răn dạy. Lần này, sau khi biết tin Lại Vinh Đam làm nhục đứa trẻ mười ba tuổi từ Phó quan, hắn tức đến hộc máu, gọi điện mắng em trai xối xả, thậm chí còn muốn quay về, thay cha chấp hành gia pháp, giáo huấn thằng em không nên thân. Chưa bàn đến việc vi phạm pháp luật, chỉ riêng việc làm mất mặt nhà họ Lại, đã đủ ăn đòn chịu phạt. Nào ngờ vừa trở lại Lô Châu, liền nhận tin em mình không còn.


Lại Vinh Đam chết, toàn Lô Châu có một người còn khó chịu hơn cả Lại Tâm Huy — chính là Cục trưởng Vương của Cục Tuần Cảnh. Ông ta lo lắng không biết ăn nói sao với Lại đại soái, cho nên sai thuộc hạ bắt tất cả những người từng có xung đột với Lại Vinh Đam về thẩm vấn. Lúc này, có thể nhận ra Lại Vinh Đam đã đắc tội bao nhiêu người ở Lô Châu — trong sân Cục Tuần Cảnh chật ních, ngoài sân còn xếp hai hàng dài cỡ gần trăm người, cảnh tượng chẳng khác gì mua lương thực thời bao cấp…


Trong lúc Cục trưởng Vương đang tự mình thẩm vấn từng người trong số “nghi phạm”, bỗng có tên thuộc hạ rẽ đám đông chen vào, báo cáo rằng: người nhà họ Lại nhớ ra một chuyện — chính là mấy ngày trước Lại Vinh Đam ngủ thường xuyên gặp ác mộng, từng mời Đường lão đạo ở Đức Thăng Quán đến nhà tìm hiểu. Lão đạo này chỉ dán mấy lá bùa trong phòng ngủ rồi rời đi. Sau đó, Lại Vinh Đam đích thực không còn mơ thấy ác mộng. Mấy lá bùa vẫn dán ở đó không tháo xuống, cho đến khi Lại Vinh Đam treo cổ. Nghe xong, Cục trưởng Vương không tiếp tục thẩm vấn nữa mà trực tiếp dẫn người đến Đức Thăng Quán, phát hiện phòng ốc trống không, quần áo cũng chẳng có — rõ ràng là chạy trốn. Vì thế, hiềm nghi giết người liền đổ lên đầu Đường Hải Quỳnh. Từ đó về sau, Cục Tuần Cảnh liền ban hành lệnh truy nã kèm tiền thưởng một trăm đồng bạc tại Tứ Xuyên, bắt Đường Hải Quỳnh về quy án.


Ba ngày sau, Cục Tuần Cảnh bỗng nhận được báo án, người đến chính là một phu nhân họ Tôn, nói rằng mộ con trai mình bị đào trộm. Hỏi thăm mới biết, phu nhân này là vợ lẽ thứ tư của ông chủ Vương — chủ xưởng rượu nổi tiếng ở Lô Châu. Ông chủ Vương có tổng cộng năm bà vợ lẽ, trước sau sinh liền sáu khuê nữ. Vất vả lắm mới kiếm được mụn con trai, vậy mà thiếu gia chưa kịp đầy tháng đã chết yểu. Trong lòng bà ta vốn đã phiền muộn, không ngờ mộ con trai còn bị đào trộm, khi báo án không khỏi khóc đến ngất lên ngất xuống.


Ban đầu nghe nói là vụ trộm mộ, trong mộ chỉ chôn đứa trẻ sơ sinh, người phụ trách ghi chép là Lý cảnh quan cũng không để ý. Mấy vụ án kiểu này, đừng nói thời bấy giờ, cho dù hiện tại cũng không dễ điều tra. Hắn vốn định an ủi qua loa cho xong, sau đó khuyên Tôn thái thái về nhà. Thế nhưng, càng nghe hắn càng cảm thấy có vấn đề. Theo miêu tả của Tôn thái thái, đồ chôn cùng trong tuy không nhiều, nhưng ít nhất cũng trị giá cả ngàn đồng bạc, chỉ riêng miếng ngọc bội trên người đứa trẻ cũng trên 500. Vậy mà tại hiện trường vụ trộm mộ: toàn bộ vật quý giá không thiếu món nào, quần áo đứa trẻ vẫn còn đó, nhưng thi thể thì biến mất.  Manh mối này khiến Lý cảnh quan chú ý: nếu muốn trộm mộ, đương nhiên sẽ vét sạch vật bồi táng chứ không phải thi thể. Rõ ràng mục đích của đối phương không phải là tiền… Hỏi thăm kỹ hơn, Lý cảnh quan biết được vị trí chôn thiếu gia nhà họ Vương là do Đường Hải Quỳnh lựa chọn, hơn nữa thời gian chôn cất đứa trẻ cùng ngày Lại Vinh Đam tử vong. 


“Chẳng lẽ Đường Hải Quỳnh thực sự có bản lĩnh kêu thần gọi quỷ?”


Tôn thái thái kể lại việc mời Đường Hải Quỳnh chọn huyệt mộ, Lý cảnh quan lập tức liên tưởng đến mấy lá bùa Đường Hải Quỳnh dán trong phòng phủ của Lại Vinh Đam. Tuy nói Lý cảnh quan chịu ảnh hưởng của tư tưởng hiện đại, không tin mấy lời đồn dân gian mê tín, thế nhưng sự trùng hợp không thể giải thích này khiến hắn không thể không liên hệ giữa vụ trộm mộ kỳ lạ với cái chết của Lại Vinh Đam.


Trong thành Lô Châu có một Phong Thủy tiên sinh nổi tiếng. Được vị này chỉ dẫn, Lý cảnh quan lần lượt đến một số đạo quán trên núi Thanh Thành cùng Thiên Đài Sơn. Sau khi nói rõ mục đích viếng thăm, liền lấy ra lá bùa Đường Hải Quỳnh dán ở nhà họ Lại. Đạo sĩ núi Thanh Thành đều khẳng định đây chỉ là trùng hợp, trước giờ Đạo thuật chỉ có thể trị quỷ chứ không thể ngự quỷ. Đây vốn là một lá bùa trấn quỷ bình thường, ngoài ra không có bất kỳ tác dụng nào khác. Thế nhưng, thời điểm Lý cảnh quan đến Thiên Đài Sơn gặp chưởng môn phái Thanh Vy cùng Nhị đương gia Hạ Chưởng Thạch, không khỏi giật mình kinh hãi — đây chẳng phải tên “đồ đệ” chuyên làm việc vặt tại Đức Thăng Quán lúc trước sao? Vì thế hắn chẳng nhiều lời, liền bắt Hạ Chưởng Thạch về Lô Châu.


Mới đầu, Hạ Chưởng Thạch cũng ngỡ ngàng, nhưng sau khi nghe rõ ngọn ngành, ông ta bày tỏ mình cũng không biết Đường Hải Quỳnh đi đâu. Thấy không hỏi ra manh mối gì, Cục trưởng Vương thẳng tay hạ lệnh tống giam Hạ Chưởng Thạch với tội danh “đồng phạm”. Trong ngục, Hạ Chưởng Thạch có ăn có uống, lại không cần dạy dỗ đồ đệ, muốn ngủ bao nhiêu tùy thích… đãi ngộ này còn tốt hơn nhiều so với hồi ở Đức Thăng Quán.


Năm 1926, quân phiệt Lưu Tương đánh vào Lô Châu, Lại Tâm Huy thất bại, chạy vào núi làm thổ phỉ. Hạ Chưởng Thạch được phóng thích.


Tính ra, Hạ Chưởng Thạch đã ở trong ngục giam suốt bảy tháng ròng. Ban đầu, mặc dù biết hung thủ giết Lại Vinh Đam chính là Đường Hải Quỳnh, nhưng ông ta không đoán được đối phương dùng cách gì. Tuy nhiên, trong thời gian ngồi tù, Hạ Chưởng Thạch đã tập hợp các manh mối từ vụ án trộm mộ cùng cái chết của Lại Vinh Đam, phân tích ra thủ đoạn của Đường Hải Quỳnh: chính là dựa trên trận cục trong siêu độ vong linh “Hoàng Tuyền Cục”, biến đổi thành “Ngự quỷ pháp”.


Theo truyền thuyết, thời điểm con người cận kề tử vong, trong đầu sẽ hiện lên toàn bộ những việc xảy ra trong đời. Điều này khiến kẻ hấp hối dấy lên cảm giác tiếc nuối — hoá thành oán khí. Cho dù không đủ mạnh để thành ác quỷ, nhưng sẽ khiến hồn phách không thể đầu thai cho đến oán khí tiêu tán. Vì vậy, một số cao nhân Đạo môn phát minh ra trận cục: căn cứ thời gian tử vong, sinh thần bát tự, địa thế dòng chảy âm dương cùng vị trí thi thể… tính ra tuyến đường mà hồn phách phải đi qua. Tiếp theo, bố trí một số “Chướng ngại” đơn giản để hồn phách vượt qua, giúp chúng loại bỏ hết những tiếc nuối hay bất mãn khi còn sống. 


Bình thường trong “Hoàng Tuyền Cục”, hồn phách chỉ cần vượt qua những chướng ngại đơn giản như “Khải chỉ” (phá bùa chú trên đường hoàn hồn), “Diệt chúc” (vượt qua hàng nến thắp trước quan tài trong nghi lễ siêu độ cổ). Tuy nhiên, trận cục mà Đường Hải Quỳnh thiết kế để giết Lại Vinh Đam chỉ có một chướng ngại duy nhất — chính là bản thân hắn.


Muốn thực hiện trận cục này, Đường Hải Quỳnh cần một “Trĩ tồ” - hồn phách trẻ con. Trong vòng bảy ngày sau khi chết (còn gọi là Đầu thất), hồn phách vẫn lưu luyến dương gian, tìm mọi cách quay lại. Trĩ tồ rất dễ dụ bởi chúng tương đối “đơn thuần”, một khi xác định được mục tiêu, sẽ chỉ nhắm vào đó, tuyệt đối không tự ý hại người khác.


Đường Hải Quỳnh can thiệp vào tuyến đường hoàn hồn, dẫn qua nhà Lại Vinh Đam, bố trí mấy vật làm tăng oán khí, kích thích hồn phách sinh sát niệm — đây cũng là lý do vì sao ông ta nhất quyết chỉ định nơi chôn cất đứa trẻ.


Lá bùa Đường Hải Quỳnh dán trong phòng ngủ của Lại Vinh Đam vốn chỉ có tác dụng trấn quỷ thông thường, thế nhưng với “Trĩ tồ” thì đây lại là một chướng ngại không thể vượt qua, đủ sức kích phát oán khí bùng nổ. Còn việc Lại Vinh Đam treo cổ tự vẫn, thậm chí cắn đứt ngón tay, cũng là do thói quen mút tay của trẻ con.


Đối với Đường Hải Quỳnh, tìm một “Trĩ tồ” mang oán khí chẳng có gì khó, bởi hầu hết công việc siêu độ, tang lễ trong thành đều do ông ta chủ trì. Vì làm miễn phí nên các pháp sư khác không thể cạnh tranh, Đường Hải Quỳnh có rất nhiều cơ hội tiếp xúc với hồn phách vừa qua đời trong vòng 7 ngày. Với bản lĩnh của Đường Hải Quỳnh, liếc mắt một cái là có thể nhận ra: đâu là chết bình thường, đâu là chết oan. 


Lần ấy, Tôn phu nhân nhờ ông ta siêu độ cho con trai, còn đưa cả sinh thần bát tự. Đường Hải Quỳnh nắm đủ thông tin, thiết kế sẵn tuyến đường hoàn hồn cho vị thiếu gia yểu mệnh, sau đó chỉ điểm gia đình chôn cất đúng nơi đã chọn. Nhà Lại Vinh Đam là yếu tố không thể thay đổi, vậy thì xoay chuyển vị trí đặt xác cho phù hợp. 


Kế hoạch do Đường Hải Quỳnh sắp đặt vô cùng kín kẽ, đến Hạ Chưởng Thạch cũng không phát hiện. Có trách thì trách Lại Vinh Đam giở trò khốn nạn, hại đời con gái người ta, còn tìm cha nạn nhân làm phép. Cơ hội trả thù tốt như vậy, ai dễ dàng bỏ qua?


Sau khi ra tù, trước tiên Hạ Chưởng Thạch đến Lô Châu tìm hiểu địa thế dòng chảy âm dương cũng như vị trí nhà Lại Vinh Đam. Sau đó lại đến nhà họ Vương, nhờ Tôn thái thái dẫn đến nơi chôn đứa trẻ, hỏi thăm sinh thần bát tự… Cuối cùng, ông ta không thể không bái phục bản lĩnh của Đường Hải Quỳnh.


Tuy đạo pháp này không chính quy, nhưng Hạ Chưởng Thạch hiểu rõ con người Đường Hải Quỳnh. Ông ta đã tìm kiếm mười mấy khu phong thủy bảo địa quanh thành Lô Châu, quả nhiên đào được một cỗ quan tài nhỏ bằng chất liệu cực tốt — xem ra Đường Hải Quỳnh đã dốc hết gia sản để chuộc lỗi với đứa trẻ!



“Chẳng lẽ có kẻ không ngại phiền phức, cố tình dụ mình rời nhà họ Chu, để bố trí ‘Hoàng Tuyền Cục’ hại người?” Chung Quỷ Linh lao ra khỏi cửa, đạp mạnh chân ga, chiếc xe vụt đi, thẳng đến khu biệt thự Maastricht.


“Đại sư… chuyện này rốt cuộc là sao?” Tiểu Lữ ngồi ghế phụ, tim đập thình thịch “Tôi… tôi có thể… về nhà được không?”


Còn tiếp...



Nhận xét