Chương 19

Năm ấy, trên Thiên Đài Sơn có một tòa Đằng Vân Quán, chủ trì gọi là Hạ Chưởng Thạch. Nói dễ nghe thì là chủ trì, nhưng thật ra hoàn cảnh người này cũng chẳng khác gì Đường Hải Quỳnh. Đạo quán có ba gian phòng, chỉ mỗi mình ông ta ở. Xét về lai lịch, Hạ Chưởng Thạch đạo trưởng tuyệt đối không phải hạng tầm thường. Khi xưa, chưởng môn phái Thanh Vy là Khương Khoát Sơn chân nhân có ba vị đệ tử, Hạ Chưởng Thạch xếp thứ hai, nhưng bản lĩnh lại hơn hẳn đại sư huynh — có thể nói là cao nhân hàng đầu thời bấy giờ. Tuy nhiên, ông ta tính tình cổ quái, hành sự cực đoan, khiến không ít đồng môn ghét bỏ. Vì thế, sau khi Khương chưởng môn qua đời, đại sư huynh kế nhiệm vị trí chưởng môn, Hạ Chưởng Thạch liền rời núi tự lập môn hộ.


Ông ta cũng giống mấy người trong Đạo môn, nhìn Đường Hải Quỳnh không vừa mắt. Kẻ hành đạo khổ công tu luyện, không thu tiền chẳng những xem nhẹ bản thân, mà còn hạ thấp giá trị toàn bộ Đạo môn. Như Lai truyền kinh cho Tam Tạng còn lấy tiền, nếu ai cũng giống họ Đường kia, dân chúng sẽ nghĩ sao về người tu Đạo?


Hạ Chưởng Thạch không vì ghét mà sinh hận, đặt điều phỉ báng đồng tu, mà có nguyên tắc riêng của mình. Ông ta muốn điều tra xem Đường Hải Quỳnh giống như lời đồn hay chỉ là kẻ lừa đảo. Nếu đối phương làm chuyện khuất tất, ông ta sẽ đứng ra tố giác, tránh kẻ này tiếp tục hại người, đồng thời coi đây là thành công của bản thân trong việc bảo vệ Đạo môn trong sạch. Tính toán xong xuôi, Hạ Chưởng Thạch đóng cửa Đằng Vân Quán, sửa tên thành Hạ Thời Xuân, đóng giả làm dân thường đến bái Đường Hải Quỳnh làm sư phụ, mượn danh đồ đệ để nằm vùng.


So tuổi tác, Hạ Chưởng Thạch cũng xấp xỉ Đường Hải Quỳnh. Mới đầu nghe ông ta muốn bái sư, Đường Hải Quỳnh còn hơi do dự, sau này thấy Hạ Chưởng Thạch “thành tâm” quỳ lạy, hơn nữa sống một mình cũng cảm thấy nhàm chán, cho nên liền thu ông ta làm “đồ đệ”.


Từ ngày vào sống trong Đức Thăng Quán, Hạ Chưởng Thạch cũng cảm thấy buồn bực, bởi ông ta phát hiện Đường Hải Quỳnh không hề lừa dối, bản lĩnh thậm chí còn ngang ngửa mình. Hạ Chưởng Thạch không chấp nhận kết quả này, quyết tâm “vạch lá tìm sâu”. Trong vòng một năm, tuy không tìm thấy điểm xấu gì, nhưng có một điều khiến Hạ Chưởng Thạch chú ý: Chính là “sư phụ” dường như đặc biệt quan tâm nhà một quả phụ họ Vương trong thành Lô Châu. Vương thị thời trẻ goá bụa, sống cùng cháu gái tên Ngụy Kim Hoa. Một lần Ngụy Kim Hoa bị bệnh nặng, Đường Hải Quỳnh không ngần ngại dùng cả cây nhân sâm 300 năm áp đáy hòm. Hơn nữa mỗi lần xuống phố, Đường Hải Quỳnh đều đảo quanh nhà Vương quả phụ mấy vòng. Mới đầu, Hạ Chưởng Thạch cũng hoài nghi: liệu người này có gian tình với Vương thị hay không…


Một lần, Đường Hải Quỳnh đột nhiên nói muốn ra ngoài vân du, giao lại đạo quán cho Hạ Chưởng Thạch trông nom. Không ngờ, Đường Hải Quỳnh mới đi được ba ngày, một đêm Vương thị vội chạy đến Đức Thăng Quán, nói cháu gái mình xảy ra chuyện. Chẳng còn cách nào, Hạ Chưởng Thạch đành mang theo pháp khí trừ tà đến nhà Vương thị. Vừa vào cửa, ông ta liền cảm thấy không khí trong phòng có điểm bất thường, nhìn kỹ Ngụy Kim Hoa, toàn thân không khỏi rùng mình ớn lạnh. Chỉ thấy cô bé ấn đường tím đen, hàm răng cắn chặt; lật mí mắt không thấy đồng tử, sau lưng nổi lên từng mảng đốm đỏ — hình dạng giống như mặt người vặn vẹo lúc hấp hối. Hạ Chưởng Thạch hành đạo bao năm, vẫn là lần đầu tiên tận mắt chứng kiến. Trước kia, ông ta từng nghe sư phụ nói: thứ này kêu “Hắc Sát Chiếu Đỉnh”, bị liệt vào “Thập Nhị Tuyệt Hộ Tướng — mười hai trường hợp bị nhập thân khó giải quyết” trong Đạo thuật. Theo lý thuyết, khi một người cùng lúc hại chết nhiều người, nếu người chết trước lúc nhập thổ không được siêu độ hoặc làm pháp sự tương ứng, oán khí của người bị hại sẽ tập hợp rồi xâm nhập vào thân kẻ thù chung. Tình huống này có thể xuất hiện trong kiếp này của đương sự, nhưng cũng có thể là kiếp sau. Năm ấy, Ngụy Kim Hoa vừa tròn mười lăm tuổi, không thể cùng lúc hại chết nhiều người — phải chăng là "nghiệp nợ tiền kiếp?" Tuy hoài nghi, nhưng Hạ Chưởng Thạch tuyệt đối không thể khoanh tay đứng nhìn. Muốn giải trừ "Hắc Sát Chiếu Đỉnh", cách duy nhất chính là bày "Hoán Hồn Cục". Trận cục này là đạo pháp độc môn của Thanh Vi Giáo và cần hai người phối hợp để hoàn thành — trí mạng nhất chính là cả hai người thi pháp đều bị tổn thọ. Vì tìm người giúp đỡ, ngày hôm sau, Hạ Chưởng Thạch mặt dày quay về Thiên Đài Sơn một chuyến, cầu xin sư huynh xuống núi giúp đỡ. Phải biết, trong xã hội cũ - thời mà thể diện cao hơn tính mạng, đây là một sự hy sinh vô cùng to lớn.


Vị đại sư huynh tên Trương Khai Thiên dù không ưa gì sư đệ, nhưng lại là người rộng lượng. Thấy Hạ Chưởng Thạch vì cứu một người chưa từng quen biết mà chấp nhận hy sinh, liền rũ bỏ hiềm khích xuống núi giúp ông ta một phen.


“Hoán Hồn Cục” không phải thực sự ‘hoán hồn”, mà là “Trí trị giả vu hằng, dĩ kim châm cố kỳ chân dương, dẫn địa nhãn chi âm xung chi, đại âm vu thân tắc oan nghiệt tẫn tán, tất quy vu hằng dã”. Nói cách khác, trước tiên đặt người bệnh ở vị trí “Địa hằng” trong “Thất chương” của thành trấn — cũng chính là nơi dương khí giao hội. Sau đó dùng kim châm khóa trụ Thất mạch của người bệnh, tránh hồn phách bị âm khí cường đại cuốn đi trong quá trình thi pháp; tiếp theo, dẫn âm khí từ “Địa Nhãn” đến thân thể người bệnh. Lúc này, Oán nghiệt trên cơ thể bệnh nhân sẽ không chịu nổi dòng chảy âm khí cường đại, cùng với quy luật âm dương thu hút lẫn nhau, chắc chắn sẽ cuồn cuộn đổ về “Địa hằng”. “Địa hằng” là nơi tập trung dương khí trong “Thất chương”, có dương khí mạnh nhất, một khi Oán nghiệt tiến vào nơi này sẽ không thể thoát ra ngoài tiếp tục quấy phá. Bởi trận cục này động chạm đến dòng chảy âm dương trong thành trấn, cho nên sẽ bị giảm thọ — tương tự như “phương pháp xạ trị tế bào ung thư” trong y học hiện đại, có tính nguy hiểm nhất định, nhưng nếu muốn giải trừ “Hắc Sát Chiếu Đỉnh”, không thể không dùng trận cục này.


Hai cao nhân Thanh Vy Giáo liên thủ thi pháp, thành công là chuyện đương nhiên. Sau khi kết thúc, mặc dù cả Hạ Chưởng Thạch lẫn Trương Khai Thiên đều tổn thọ, nhưng từ đây hai sư huynh đệ bắt tay làm hòa — cũng coi như chuyện đáng mừng. Tuy nhiên so với bọn họ, Đường Hải Quỳnh có lẽ là người vui sướng nhất.


Một tháng sau, Đường Hải Quỳnh vân du trở về, việc đầu tiên chính là đến nhà quả phụ họ Vương. Khi thấy Ngụy Kim Hoa ra mở cửa, ông ta lập tức bị chấn động. Nghe Vương thị kể lại ngọn nguồn, Đường Hải Quỳnh rơi nước mắt quay lại đạo quán, vừa trông thấy Hạ Chưởng Thạch liền quỳ sụp xuống đất, liên tục dập đầu.


Đến lúc này, Đường Hải Quỳnh mới biết thân phận thật sự của Hạ Chưởng Thạch, coi ông ta như ân công, cho nên kể lại câu chuyện năm xưa — nguyên nhân vì sao mình hết lòng chiếu cố Ngụy Kim Hoa như vậy…


Thì ra, Đường Hải Quỳnh tên thật là Đường Phi, người huyện Phụng Dương, tỉnh An Huy, từ bé đã mồ côi cha mẹ, sống cùng với bác trai. Thuở nhỏ cũng từng học mấy năm tư thục, đến năm mười hai tuổi thì người bác cũng qua đời, bác gái tái giá — từ đây Đường Phi bắt đầu cuộc sống làm thuê, tự nuôi bản thân. Năm mười lăm tuổi, do xung đột với con trai ông chủ, hai bên lao vào đánh nhau. Thân thủ Đường Phi không tệ, đánh mấy chiêu đã khiến thiếu gia rụng hai cái răng cửa. Mặc dù chủ nhà đã đuổi Đường Phi ra khỏi cửa, nhưng thiếu gia vẫn còn ghi hận, nhân lúc Đường Phi xuống ruộng làm việc, cho người thiêu rụi nhà họ Đường. Thời điểm đó, Đường Phi tuổi trẻ bồng bột, làm việc bất chấp hậu quả, ban đêm lén ném búi vải dầu vào hậu viện nhà chủ cũ. Phải nói cả nhà này đúng là xui xẻo, lúc ấy trong sân phơi đầy củi khô dự trữ cho mùa đông, một khi bén lửa lập tức lan rộng, chưa kể hướng gió bỗng dưng thay đổi — thực chẳng khác gì Khổng Minh mượn gió Đông hoả thiêu Xích Bích. Thế lửa ngày một lớn, hừng hực ngút trời, không thể dập tắt, Đường Phi thấy vậy cũng không khỏi kinh hãi. Kết quả, toàn bộ nhà chủ, tổng cộng mười bảy mạng người chết sạch, trong đó sáu người chết ngạt, còn lại đều bị thiêu sống.


Kể đến đây, Hạ Chưởng Thạch cũng đại khái hiểu được vấn đề: nước thuần âm, lửa thuần dương. Đạo thuật cho rằng: chết vì thiêu sống thuộc chí dương, chết vì đuối nước thuộc chí âm — oán khí người chết sẽ rất lớn, không thể đầu thai chuyển kiếp. Năm đó, cả nhà ông chủ kia đều chết do hoả hoạn, nhất định không ai bỏ tiền siêu độ cho bọn họ. Xem ra, đây chính là nguyên nhân hình thành “Hắc Sát Chiếu Đỉnh”.


Lại nói, lửa lớn cháy đến hừng đông, bản thân Đường Phi cũng choáng váng trước hiện trường thảm khốc. Tự biết mình đã gây đại họa, sợ bị bắt nên chạy trốn đến Giang Tây, sống bằng nghề khuân vác. Một lần, Đường Phi gặp một vị thầy tướng trên phố, ông ta nói ấn đường hắn quỷ khí ngút trời, sắp gặp thảm họa. Đường Phi chột dạ, liền cầu xin tiên sinh hóa giải nạn kiếp. Sau khi được chỉ điểm, một mình hắn lên Long Hổ Sơn xuất gia làm đạo sĩ, đạo hiệu Hải Quỳnh, sư phụ chính là đạo trưởng Viên Thiệu Nhất.


Sau này, Viên đạo trưởng kế nhiệm chưởng môn, chỉ điểm Đường Hải Quỳnh xuống núi tu hành; khuyên hắn làm nhiều việc thiện, tích lũy công đức, khổ tu khổ luyện. Trước khi đi còn căn dặn kỹ: “Tuyệt đối không được vướng trần duyên, bởi bây giờ nghiệt nợ chưa trả hết. Tuy có đạo pháp hộ thể nhưng chỉ đủ bảo vệ bản thân, băng không khó mà toàn mạng!” 


Sau khi xuống núi, Đường Hải Quỳnh tận lực hành thiện tích đức, tu hành khổ hạnh chẳng thua gì đệ tử Cái Bang. Có điều duy nhất không nghe lời sư phụ, chính là cứu sống một cô gái bị thổ phỉ bắt cóc.


Đường Hải Quỳnh không nỡ nhìn cô gái bị kẻ xấu chà đạp, đồng ý đưa cô ta trốn đi nơi khác. Lúc này thiên hạ đại loạn, chiến tranh liên miên, hai người chỉ có thể chạy sang đất Thục. Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén, Đường Hải Quỳnh nhất thời không thể cầm lòng, cô gái mang thai, sinh một đứa con — chính là Ngụy Kim Hoa, theo họ mẹ.


Sau này, mẹ Ngụy Kim Hoa mắc bệnh qua đời, Đường Hải Quỳnh không tiện mang theo con nhỏ hành tẩu giang hồ, thế nên mới giao đứa trẻ cho một quả phụ. Cách đây không lâu, Đường Hải Quỳnh phát hiện Ngụy Kim Hoa bị “Hắc Sát Chiếu Đỉnh”, thầm biết lời tiên đoán của sư phụ đã ứng nghiệm. Vì không muốn chính mắt nhìn con gái vong mạng, liền lấy cớ vân du rời khỏi Lô Châu. Không ngờ, Ngụy Kim Hoa lại được đồ đệ của mình cứu giúp…


Chuyện đến nước này, Hạ Chưởng Thạch không biết nói gì hơn. Hơn một năm tiếp xúc với Đường Hải Quỳnh, ông ta cũng nhận ra đây là người tốt, không phải hạng giang hồ bịp bợm như lời đồn. Mặc dù kế hoạch “vạch trần giả dối” bị thất bại, nhưng lại có thêm một vị bằng hữu — tính ra cũng không thiệt thòi. Cả đời Hạ Chưởng Thạch không kết giao nhiều người, Đường Hải Quỳnh là một trong số ít đó.


Đang lúc Đường Hải Quỳnh vui mừng vì con gái thoát khỏi nạn kiếp, ông ta lại đón nhận một tin dữ, khiến bản thân gần như suy sụp: Ngụy Kim Hoa bị Lại Vinh Đam làm nhục. Năm ấy Ngụy Kim Hoa mới mười ba tuổi, theo pháp luật hiện hành, Lại Vinh Đam đáng lẽ phải bị cầm tù hay xử bắn. Thế nhưng, tên khốn kia dựa vào thế lực của anh trai là quân phiệt Lại Tâm Huy, Cục Cảnh Sát cũng không dám làm gì hắn, chỉ qua loa cho xong việc. Đường Hải Quỳnh căm phẫn không thôi, thật đúng là “Ông trời không có mắt!” Nếu không ai xử ngươi, ta sẽ tự mình giải quyết!


Chưa quá nửa tháng, có tin lan truyền rằng: Lại Vinh Đam chết tại hậu viện, trong miệng còn ngậm nửa ngón tay của chính mình.


Còn tiếp...



Nhận xét